Chi phí lãi vay được trừ đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết theo quy định của Nghị định 20 và Nghị định 68
Theo quy định của Nghị định 20, tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao (EBITDA) trong kỳ của người nộp thuế. Tuy nhiên, quy định này đã được sửa đổi bởi Nghị định 68/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 24/06/2020. Cụ thể:
- Tổng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) phát sinh trong kỳ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ.
- Phần chi phí lãi vay không được trừ theo quy định ở trên được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định ở trên. Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 05 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ.
Quy định trên áp dụng cho năm tài chính 2019 và cho phép điều chỉnh ảnh hưởng đối với các năm tài chính 2017, 2018, cụ thể:
- Người nộp thuế được khai bổ sung hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2017; năm 2018 để xác định chi phí lãi vay, số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tương ứng (nếu có) và nộp cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trước ngày 01/01/2021. Trường hợp sau khi khai bổ sung, số thuế thu nhập doanh nghiệp giảm thì sẽ được giảm số tiền chậm nộp tương ứng (nếu có).
- Trường hợp người nộp thuế có số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền chậm nộp đã nộp ngân sách nhà nước lớn hơn số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền chậm nộp đã xác định lại thì phần chênh lệch được bù trừ vào số thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2020. Trường hợp số thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2020 không đủ bù trừ hết thì phần còn lại được bù trừ vào thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong các năm tiếp theo nhưng tối đa không quá 05 năm kể từ năm 2020. Kết thúc thời hạn trên, không xử lý số thuế còn lại chưa bù trừ hết.
Trong thực tế, các doanh nghiệp thường phát sinh các khoản vay với cả bên liên kết và bên độc lập. Vậy câu hỏi được đặt ra là:
Chi phí lãi vay được trừ theo quy định của Nghị định 20 có bao gồm chi phí lãi vay trả cho bên độc lập?
Theo quan điểm của Công văn số 3790/TCT-DNL và Công văn số 3002/TCT-DNL thì Tổng Cục thuế cho rằng: Tổng mức chi phí lãi vay của người nộp thuế được trừ theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20 được tính trên tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ, không phân biệt lãi vay phát sinh với bên liên kết hay bên độc lập.
Chi phí lãi vay của năm 2017 được xử lý thế nào?
Nghị định 20 có hiệu lực từ ngày 01/05/2017, là thời điểm khoảng giữa năm 2017. Nhiều doanh nghiệp cũng đã gặp vướng mắc về việc Chi phí lãi vay của năm 2017 áp dụng theo các quy định của Nghị định 20 căn cứ vào thời điểm ký kết hợp đồng vay hay căn cứ theo chi phí lãi vay phát sinh.
Tổng Cục thuế đã khẳng định các Chi phí lãi vay áp dụng theo Nghị định 20 là các chi phí lãi vay phát sinh từ ngày 01/5/2017 trở đi đến hết năm tài chính, không phân biệt hợp đồng vay được ký kết trước hay sau ngày 01/5/2017 tại Công văn số 3002/TCT-DNL.
Ngoài ra, Tổng Cục thuế cũng hướng dẫn cách xác định EBITDA của năm 2017 tại Công văn này như sau:
- Trường hợp doanh nghiệp hạch toán theo dõi riêng được kết quả kinh doanh từ 01/05/2017 đến hết năm tài chính thì các chỉ tiêu để tính EBITDA được xác định theo số liệu phát sinh thực tế;
- Trường hợp doanh nghiệp không hạch toán theo dõi riêng được kết quả kinh doanh từ ngày 01/05/2017 đến hết năm tài chính thì các chỉ tiêu để tính EBITDA được phân bổ tương ứng với số tháng còn lại của năm tài chính kể từ ngày 01/05/2017.