Phân tích và lựa chọn đối tượng so sánh độc lập

Quy trình phân tích và lựa chọn đối tượng so sánh độc lập

Nghị định 20 có quy định quy trình phân tích gồm các bước sau:

4. Quy trình phân tích so sánh bao gồm các bước:

a) Xác định bản chất của giao dịch liên kết trước khi tiến hành phân tích tính tương đồng với các đối tượng so sánh độc lập;

b) Phân tích so sánh, tìm kiếm, lựa chọn các đối tượng so sánh độc lập tương đồng trên cơ sở xác định thời gian so sánh, đặc tính sản phẩm, điều kiện hợp đồng; phân tích ngành, thị trường, điều kiện kinh tế khi phát sinh giao dịch; phân tích giao dịch liên kết và người nộp thuế thực hiện giao dịch liên kết; nguồn cơ sở dữ liệu; phương pháp xác định giá giao dịch liên kết và điều chỉnh các khác biệt trọng yếu (nếu có);

c) Xác định mức giá, tỷ suất lợi nhuận hoặc tỷ lệ phân bổ lợi nhuận căn cứ kết quả phân tích các đối tượng so sánh độc lập để làm cơ sở so sánh, áp dụng xác định nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của người nộp thuế, không làm giảm nghĩa vụ thuế phải nộp ngân sách nhà nước.

Các quy định của Nghị định 20 phù hợp với các thông lệ quốc tế được chấp nhận (Hướng dẫn của UN và OECD). Tuy nhiên, hướng dẫn của OECD thường được áp dụng trong thực tế do quy định chi tiết và rõ ràng hơn.

Quy trình phân tích và lựa chọn đối tượng so sánh độc lập (Comparability analysis) bao gồm các bước:

Bước Mô tả
B1 Xác định thời gian (năm) cần tiến hành so sánh.
B2 Phân tích ngành, thị trường, điều kiện kinh tế khi phát sinh giao dịch.
B3 Xác định bản chất của giao dịch liên kết, đặc biệt dựa trên phân tích chức năng để xem xét các đối tượng so sánh độc lập (nếu cần), cân nhắc các phương pháp so sánh xác định giá của giao dịch liên kết phù hợp, các chỉ tiêu tài chính có thể sử dụng và các yếu tố so sánh cần xem xét.
B4 Rà soát các đối tượng so sánh độc lập nội bộ trên cơ sở xác minh độ tin cậy và tính độc lập của các đối tượng này đảm bảo không phải là các giao dịch dàn xếp không theo nguyên tắc giao dịch độc lập.
B5 Xây dựng các tiêu chí tìm kiếm và xác định các nguồn cơ sở dữ liệu tin cậy có thể sử dụng để tiến hành tìm kiếm các đối tượng so sánh độc lập tương đồng.
B6 Trên cơ sở các thông tin đã phân tích và rà soát tính sẵn có đối với dữ liệu của đối tượng so sánh độc lập, lựa chọn phương pháp xác định giá phù hợp với bản chất hoạt động kinh doanh, thương mại, tài chính, rủi ro của bên liên kết cần thực hiện xác định giá.
B7 Xác định các đối tượng so sánh có thể sử dụng.
B8 Điều chỉnh các khác biệt trọng yếu nếu có.
B9 Xác định mức giá, tỷ suất lợi nhuận hoặc tỷ lệ phân bổ lợi nhuận căn cứ kết quả phân tích các đối tượng so sánh độc lập để làm cơ sở so sánh, áp dụng xác định nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của người nộp thuế, không làm giảm nghĩa vụ thuế phải nộp ngân sách Nhà nước.

Mức độ ưu tiên khi lựa chọn đối tượng so sánh độc lập

Theo Khoản 3, Điều 9, Nghị định 20, thứ tự ưu tiên lựa chọn đối tượng so sánh độc lập như sau:

(i) Đối tượng so sánh nội bộ của người nộp thuế > (ii) Đối tượng so sánh cư trú cùng quốc gia, lãnh thổ với người nộp thuế > (iii) Đối tượng ở các nước trong khu vực có điều kiện ngành và trình độ phát triển kinh tế tương đồng.

Trường hợp lựa chọn đối tượng so sánh nước ngoài tại các thị trường địa lý khác, phải phân tích tính tương đồng và các khác biệt trọng yếu định tính và định lượng.

Yêu cầu về dữ liệu tài chính của các đối tượng so sánh

  • Dữ liệu tài chính của các đối tượng so sánh phải đảm bảo độ tin cậy để sử dụng cho mục đích kê khai, tính thuế, phù hợp với các quy định về kế toán, thống kê và thuế;
  • Thời điểm phát sinh giao dịch của các đối tượng so sánh độc lập phải cùng thời điểm phát sinh với giao dịch liên kết hoặc có năm tài chính cùng với năm tài chính của người nộp thuế, trừ trường hợp đặc thù cần thiết mở rộng thời gian so sánh (không quá một (01) năm tài chính so với năm tài chính của người nộp thuế nếu sử dụng phương pháp xác tỷ suất lợi nhuận);
  • Dữ liệu so sánh về tỷ suất lợi nhuận hoặc tỷ lệ phân bổ lợi nhuận phải đảm bảo ít nhất là ba (03) kỳ tính thuế liên tục;
  • Đối với các giá trị tỷ suất, tỷ lệ tương đối, người nộp thuế làm tròn số đến chữ số thứ hai sau dấu thập phân. Trường hợp số tương đối được lấy từ các số liệu công bố không có số tuyệt đối đi kèm và không sử dụng nguyên tắc làm tròn này thì lấy theo số liệu đã công bố có trích dẫn nguồn.

Yêu cầu về số lượng đối tượng so sánh độc lập

Số lượng tối thiểu đối tượng so sánh độc lập được chọn sau khi phân tích so sánh và điều chỉnh khác biệt trọng yếu được lựa chọn như sau:

  • Một (01) đối tượng trong trường hợp giao dịch liên kết hoặc người nộp thuế thực hiện giao dịch liên kết và đối tượng so sánh độc lập không có khác biệt;
  • Ba (03) đối tượng trong trường hợp đối tượng so sánh độc lập có khác biệt nhưng có đủ thông tin, dữ liệu làm cơ sở để loại trừ tất cả các khác biệt trọng yếu;
  • Năm (05) đối tượng trở lên trong trường hợp chỉ có thông tin, dữ liệu làm cơ sở để loại trừ hầu hết các khác biệt trọng yếu của đối tượng so sánh độc lập.