Có phải lập Hồ sơ toàn cầu trong trường hợp không có Công ty mẹ?

Có phải lập Hồ sơ toàn cầu trong trường hợp không có Công ty mẹ?

Trong thực tế có nhiều trường hợp các khách hàng của Kreston có phát sinh giao dịch của bên liên kết nhưng bên liên kết chỉ nắm giữ 30% vốn của Công ty và không nắm quyền kiểm soát đối với Công ty. Câu hỏi được đặt ra là:

Trong trường hợp bên liên kết không phải Công ty mẹ thì có phải lập Hồ sơ toàn cầu không?

Để trả lời câu hỏi này, Quý vị cần căn cứ vào quy định của pháp luật kế toán có liên quan.

Trước hết, Thông tư 41 có quy định:

Người nộp thuế lập và cung cấp Hồ sơ toàn cầu của tập đoàn đa quốc gia nơi hợp nhất báo cáo tài chính của người nộp thuế tại Việt Nam theo quy định về chế độ kế toán.

Khoản 2, Điều 4, Thông tư 41/2017/TT-BTC

Như vậy, người nộp thuế chỉ phải lập và cung cấp Hồ sơ toàn cầu của Tập đoàn đa quốc gia nơi hợp nhất báo cáo tài chính.

Theo các quy định về kế toán của Việt Nam (Thông tư 202/2014/TT-BTC) cũng như các chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) quy định về trường hợp lập Báo cáo tài chính hợp nhất:

Tập đoàn gồm công ty mẹ và các công ty con.

Thông tư 202/2014/TT-BTC

Tập đoàn đa cấp là tập đoàn gồm công ty mẹ, các công ty con cấp 1 và công ty con cấp 2.

Điều 2, Thông tư 202/2014/TT-BTC

Điều 8. Xác định công ty mẹ

1. Một công ty được coi là công ty mẹ của một công ty khác nếu có quyền kiểm soát thông qua việc chi phối các chính sách tài chính và hoạt động nhằm thu được lợi ích kinh tế từ các hoạt động của công ty này mà không chỉ xét tới hình thức pháp lý, hay tên gọi của công ty đó. Công ty mẹ có quyền chi phối các chính sách tài chính và hoạt động trong các trường hợp sau đây:

a) Nắm giữ trên 50% quyền biểu quyết trực tiếp hoặc gián tiếp ở Công ty con. Trường hợp có sự khác biệt giữa tỷ lệ quyền biểu quyết theo giấy đăng ký kinh doanh và tỷ lệ quyền biểu quyết tính trên cơ sở vốn thực góp thì quyền biểu quyết được xác định theo điều lệ doanh nghiệp hoặc theo sự thống nhất giữa các bên;

b) Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp bổ nhiệm hoặc bãi miễn đa số các thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty con;

c) Có quyền bỏ đa số phiếu tại các cuộc họp của Hội đồng quản trị hoặc cấp quản lý tương đương;

d) Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty con;

đ) Các nhà đầu tư khác thoả thuận dành cho công ty mẹ hơn 50% quyền biểu quyết;

e) Có quyền chi phối các chính sách tài chính và hoạt động theo quy chế thoả thuận.

2. Khi xác định quyền kiểm soát của công ty mẹ, ngoài các quy định tại khoản 1 Điều này, doanh nghiệp phải xem xét quyền biểu quyết tiềm năng phát sinh từ các quyền chọn mua hoặc các công cụ nợ và công cụ vốn có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông tại thời điểm hiện tại. Nếu các công cụ nợ và công cụ vốn nêu trên không được phép chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông tại thời điểm hiện tại, ví dụ không thể chuyển đổi trước một thời điểm nào đó trong tương lai hoặc cho đến khi một sự kiện trong tương lai xảy ra thì không được sử dụng để xác định quyền kiểm soát.

Điều 8, Thông tư 202/2014/TT-BTC

Như vậy, trong trường hợp bên liên kết không phải là Công ty mẹ do không nắm quyền kiểm soát Công ty thì báo cáo Công ty sẽ không được hợp nhất vào Báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty liên kết đó. Do đó, Công ty sẽ không phải lập Hồ sơ toàn cầu theo quy định của Nghị định 20.

Share this post