Trang chủ KRESTON.VN

Phương pháp so sánh tỷ suất lợi nhuận thuần

Kreston (VN)
07/03/2024
07/03/2024

Phương pháp so sánh tỷ suất lợi nhuận thuần là gì?

Phương pháp so sánh tỷ suất lợi nhuận thuần, tiếng Anh gọi là “Transactional Net Margin Method” (TNMM) trong các hướng dẫn của UN và OECD, là phương pháp được áp dụng phổ biến nhất trên thực tế.

Trường hợp áp dụng Phương pháp so sánh tỷ suất lợi nhuận thuần

Phương pháp so sánh tỷ suất lợi nhuận thuần là một trong các Phương pháp so sánh tỷ suất lợi nhuận theo Nghị định 132, được áp dụng khi:

  • Người nộp thuế không có cơ sở dữ liệu và thông tin để áp dụng Phương pháp so sánh giá giao dịch độc lập; hoặc
  • Người nộp thuế không thể so sánh giao dịch theo sản phẩm trên cơ sở từng giao dịch đối với từng sản phẩm tương đồng, việc gộp chung các giao dịch được tiến hành nhằm đảm bảo phù hợp bản chất, thực tiễn kinh doanh và lựa chọn được tỷ suất lợi nhuận của các đối tượng so sánh độc lập phù hợp; hoặc
  • Người nộp thuế không thực hiện chức năng tự chủ đối với toàn bộ chuỗi hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc không tham gia thực hiện các giao dịch liên kết tổng hợp, đặc thù theo Phương pháp phân bổ lợi nhuận giữa các bên liên kết.

Nghị định 132 cũng hướng dẫn các trường hợp cụ thể áp dụng Phương pháp so sánh tỷ suất lợi nhuận thuần:

  • Người nộp thuế không có thông tin để áp dụng phương pháp so sánh giá giao dịch độc lập;
  • Không có dữ liệu và thông tin về phương pháp hạch toán kế toán của các đối tượng so sánh độc lập hoặc không tìm được các đối tượng so sánh có chức năng và sản phẩm tương đồng nên không đủ cơ sở áp dụng các phương pháp so sánh tỷ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu hoặc trên giá vốn;
  • Người nộp thuế thực hiện các chức năng phân phối hoặc sản xuất không sở hữu tài sản vô hình hoặc không tham gia phát triển, gia tăng, duy trì, bảo vệ và khai thác tài sản vô hình hoặc không thuộc trường hợp áp dụng phương pháp phân bổ lợi nhuận giữa các bên liên kết.

Nguyên tắc áp dụng Phương pháp so sánh tỷ suất lợi nhuận thuần

Phương pháp so sánh tỷ suất lợi nhuận thuần được áp dụng trên nguyên tắc không có khác biệt về chức năng hoạt động, tài sản, rủi ro; điều kiện kinh tế và phương pháp hạch toán kế toán khi so sánh giữa người nộp thuế và đối tượng so sánh độc lập có ảnh hưởng trọng yếu đến tỷ suất lợi nhuận. Trường hợp có các khác biệt ảnh hưởng trọng yếu đến tỷ suất lợi nhuận, khi đó phải loại trừ các khác biệt trọng yếu này.

Một số khác biệt có thể gây ảnh hưởng trọng yếu đến tỷ suất lợi nhuận thuần như khác biệt về chức năng hoạt động, tài sản, rủi ro; điều kiện kinh tế; điều kiện hợp đồng và đặc tính sản phẩm.

Cách xác định Phương pháp so sánh tỷ suất lợi nhuận thuần

Tỷ suất lợi nhuận thuần chưa trừ chi phí lãi vay và thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu, chi phí hoặc tài sản của người nộp thuế thực hiện giao dịch liên kết được điều chỉnh theo tỷ suất lợi nhuận thuần chưa trừ chi phí lãi vay trên doanh thu, chi phí hoặc tài sản của các đối tượng so sánh độc lập được chọn, trên cơ sở đó điều chỉnh, xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.

Lợi nhuận thuần không bao gồm chênh lệch doanh thu và chi phí của hoạt động tài chính.

Tỷ suất lợi nhuận thuần được lựa chọn là giá trị thuộc khoảng giao dịch độc lập chuẩn của tỷ suất lợi nhuận thuần của các đối tượng so sánh độc lập được chọn để điều chỉnh, xác định thu nhập chịu thuế và nghĩa vụ thuế phải nộp của người nộp thuế phù hợp với các nguyên tắc quy định tại Nghị định 132.

Các chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận thuần chưa trừ lãi vay và thuế thu nhập doanh nghiệp được xác định theo quy định của pháp luật về kế toán, quản lý thuế và thuế thu nhập doanh nghiệp.