Hướng dẫn chuyển đổi Báo cáo tài chính bằng ngoại tệ sang VND theo Thông tư 200

Hướng dẫn chuyển đổi Báo cáo tài chính bằng ngoại tệ sang VND theo Thông tư 200

Ngày 13/01/2016, Bộ Tài chính đã phát hành Công văn số 606/BTC-CĐKT hướng dẫn việc chuyển đổi Báo cáo tài chính được lập bằng ngoại tệ sang đồng Việt Nam theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 với các nội dung chính như sau:
 

1. Về việc lựa chọn tỷ giá khi chuyển đổi báo cáo tài chính lập bằng đồng ngoại tệ sang đồng Việt Nam (VND) để công bố thông tin ra công chúng và nộp cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền

Điều 107 Thông tư số 200 quy định “Các khoản mục thuộc Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiên tệ được quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh giao dịch. Trường hợp tỷ giá bình quân kỳ kế toán xấp xỉ với tỷ giá thực tế tại thời điểm phát sinh giao dịch (chênh lệch không vượt quá 3%) thì có thể áp dụng theo tỷ giá bình quân (nếu lựa chọn)”.

Thông tư số 200 không quy định cụ thể cách tính tỷ giá bình quân kỳ kế toán nên các doanh nghiệp có thể sử dụng tỷ giá bình quân giữa tỷ giá mua và tỷ giá bán chuyển khoản ngoại tệ của ngân hàng thương mại để chuyển đổi cho các khoản mục thuộc Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Tỷ giá bình quân này có thể được tính trên cơ sở trung bình các ngày, các tuần hoặc các tháng của kỳ kế toán.

Mức độ chênh lệch 3% được xác định trên cơ sở so sánh giữa tỷ giá bình quân kỳ kế toán với tỷ giá mua thấp nhất hoặc tỷ giá bán cao nhất của ngân hàng thương mại trong kỳ kế toán.
 

Trường hợp doanh nghiệp lựa chon tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh giao dịch

Việc trích khấu hao TSCĐ phải được căn cứ vào đơn vị tiền tệ trong kế toán của doanh nghiệp. Khi chuyển đổi báo cáo tài chính được lập bằng đồng ngoại tệ sang Việt Nam đồng thì tài sản và nợ phải trả được quy đổi theo tỷ giá giao dịch thực tế cuối kỳ do đó các khoản chi phí khấu hao TSCĐ đã trích sẽ được quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế cuối mỗi kỳ kế toán có báo cáo tài chính chuyển đổi, không quy đổi theo tỷ giá tại ngày mua tài sản hay ngày định kỳ trích khấu hao TSCĐ.

Tương tự, đối với nguyện vật liệu xuất kho đưa vào sản xuất đang ở hàng tồn kho cũng được quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế cuối mỗi kỳ kế toán có báo cáo tài chính chuyển đổi, không quy đổi theo tỷ giá tại ngày mua nguyên vật liệu hay ngày xuất kho nguyên vật liệu để sản xuất.

Trình bày thuyết minh chi tiết biến động của vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2014 và ngày 1/1/2015

Thông tư 200 không có quy định về hồi tố đối với số liệu so sánh năm 2014 trên báo cáo tài chính được trình bày theo quy định của Thộng tư 244/2009/TT-BTC do đó để đảm bảo tính lôgíc và phù hợp của số liệu về chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2014 và ngày 1/1/2015, khi trình bày thuyết minh chi tiết biến động vốn chủ sớ hữu giữa ngày 1/12/2014 và ngày 1/1/2015, doanh nghiệp sẽ trình bày sự chênh lệch giữa số liệu vốn chủ sở hữu cuối năm trước và đầu năm sau là do sự thay đổi của chính sách kế toán.


2. Tỷ giá sử dụng để quy đổi số liệu so sánh của khoản mục vốn chủ sở hữu năm 2014:

Đối với báo cáo tài chính năm 2015, số liệu so sánh khoản mục vốn chủ sở hữu năm 2014 được xác định trên cớ sở lấy số liệu cuối kỳ kế toán năm 2014 chuyển sang và điều chỉnh số dư đầu kỳ do sự thay đổi của chính sách kế toán để đảm bảo tính so sánh được của báo cáo tài chính năm 2015.

3. Đối với khoản mục vốn chủ sở hữu

Đối với khoản mục vốn chủ sở hữu, theo quy định tại Điều 107 Thông tư 200/2014/TT – BTC thì: “Vốn chủ sở hữu (vốn góp của chủ sở hữu, thặng dư vốn cổ phần, vốn khác, quyền chọn chuyển đổi trái phiếu) được quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế tại ngày góp vốn”.

Căn cứ vào quy định nêu trên, doanh nghiệp sử dụng đơn vị tiện tệ kế toán là đồng tiền khác đồng Việt Nam, khi chuyển đổi báo cáo tài chính sang Đồng Việt Nam để nộp cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, phải sử dụng tỷ giá thực tế tại ngày góp vốn để chuyển đổi khoản mục vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính.

4. Sử dụng Báo cáo tài chính nào để xác định nghĩa vụ thuế

Việc sử dụng Báo cáo tài chính nào để xác định nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế.

5. Tỷ giá để sử dụng trong chuyển lỗ

Trường hợp doanh nghiệp có phát sinh lỗ từ năm 2000 đến 2014 thì việc sử dụng tỷ giá để quy đổi số lỗ được phép chuyển để trừ vào thu nhập chịu thuế năm 2015 được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế.

Trên đây là nội dung chính của Công văn số 606/BTC-CĐKT ngày 13/01/2016 của Bộ Tài chính. Nếu có vướng mắc trong quá trình áp dụng, Quý vị có thể liên hệ với chuyên gia của Công ty Kiểm toán và Tư vấn Kreston (VN) để được trợ giúp.

Share this post