English

Các vấn đề cần xử lý khi sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp bỏ trốn

Các vấn đề cần xử lý khi sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp bỏ trốn

28/12/2017

Hóa đơn của doanh nghiệp bỏ trốn là gì?

Theo Điều 22 của Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 quy định việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, cụ thể như sau:

“Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp là việc sử dụng hóa đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng hoặc hết giá trị sử dụng”.

  • Hóa đơn giả là hóa đơn được in hoặc khởi tạo theo mẫu hóa đơn đã được phát hành của tổ chức, cá nhân khác hoặc in, khởi tạo trùng số của cùng một ký hiệu hóa đơn.
  • Hóa đơn chưa có giá trị sử dụng là hóa đơn đã được tạo theo hướng dẫn tại Thông tư này, nhưng chưa hoàn thành việc thông báo phát hành.
  • Hóa đơn hết giá trị sử dụng là hóa đơn đã làm đủ thủ tục phát hành nhưng tổ chức, cá nhân phát hành thông báo không tiếp tục sử dụng nữa; các loại hóa đơn bị mất sau khi đã thông báo phát hành được tổ chức, cá nhân phát hành báo mất với cơ quan thuế quản lý trực tiếp; hóa đơn của các tổ chức, cá nhân đã ngừng sử dụng mã số thuế (còn gọi là đóng mã số thuế).

Như vậy, việc sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp bỏ trốn là một hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Cụ thể, trường hợp này là sử dụng hóa đơn hết giá trị sử dụng.

Xử lý đối với các hóa đơn đầu vào từ doanh nghiệp bỏ trốn

Về khấu trừ, hoàn thuế GTGT đối với những doanh nghiệp có mua hàng hóa, sử dụng hóa đơn đầu vào trực tiếp của doanh nghiệp và doanh nghiệp trung gian ngừng kinh doanh, bỏ trốn khỏi địa điểm kinh doanh có dấu hiệu mua bán hóa đơn bất hợp pháp nhưng chưa có kết luận chính thức của cơ quan thuế hoặc các cơ quan chức năng (bao gồm cả trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm trước ngày Bộ Tài chính ban hành công văn số 7527/BTC-TCT) thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 13706/BTC-TCT ngày 15/10/2013 và Công văn số 1752/BTC-TCT ngày 10/2/2014 của Bộ Tài chính. Cụ thể đối với một số trường hợp thực hiện như sau:

1. Trường hợp doanh nghiệp chưa kê khai khấu trừ thuế GTGT

Đối với trường hợp này thì Cơ quan thuế thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp biết để tạm dừng kê khai khấu trừ thuế GTGT đối với các hóa đơn có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chờ kết quả chính thức cơ quan có thẩm quyền. Doanh nghiệp chỉ được thực hiện kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với các hóa đơn không có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

2. Trường hợp doanh nghiệp đã kê khai khấu trừ thuế GTGT

Đối với trường hợp này thì cơ quan thuế thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp biết để kê khai điều chỉnh giảm số thuế GTGT đã khấu trừ.

Trường hợp doanh nghiệp khẳng định việc mua bán hàng hóa và hóa đơn GTGT đầu vào sử dụng kê khai khấu trừ là đúng quy định thì doanh nghiệp phải cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật, đồng thời cơ quan thuế phải thực hiện thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp để kết luận và xử lý vi phạm theo quy định. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra phải thực hiện xác minh, đối chiếu với doanh nghiệp có quan hệ mua bán về một số nội dung:

  • Kiểm tra, xác minh về hàng hóa: Hợp đồng mua bán hàng hóa (nếu có); hình thức giao nhận hàng hóa; địa điểm giao nhận hàng hóa; phương tiện vận chuyển hàng hóa; chi phí vận chuyển hàng hóa; chủ sở hữu hàng hóa và nguồn gốc hàng hóa (trước thời điểm giao nhận hàng hóa).
  • Kiểm tra xác minh về thanh toán: Ngân hàng giao dịch; đối tượng nộp tiền vào tài khoản để giao dịch; số lần thực hiện giao dịch; hình thức thanh toán; chứng từ thanh toán.
  • Kiểm tra xác minh về xuất khẩu hàng hóa: Tờ khai hải quan có xác nhận thực xuất của Cơ quan hải quan; chứng từ thanh toán qua ngân hàng; Vận đơn (nếu có).

Qua thanh tra, kiểm tra nếu xác minh được việc mua bán hàng hóa là có thực và đúng với quy định của pháp luật thì giải quyết cho doanh nghiệp được khấu trừ, hoàn thuế GTGT; đồng thời yêu cầu doanh nghiệp cam kết nếu trong các hồ sơ, tài liệu doanh nghiệp xuất trình cho cơ quan Thuế sau này phát hiện có sai phạm, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế, có dấu hiệu tội phạm thì lập và chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu việc tạm dừng khấu trừ thuế dẫn đến tăng số thuế GTGT phải nộp thì Cơ quan thuế có trách nhiệm tổng hợp, theo dõi các trường hợp này, chưa yêu cầu nộp và chưa tính phạt nộp chậm chờ kết luận chính thức của Cơ quan có thẩm quyền.

3. Trường hợp doanh nghiệp chưa được giải quyết hoàn thuế

Đối với trường hợp này thì tạm dừng hoàn thuế theo hướng dẫn tại điểm 3 Công văn số 13706/BTC-TCT. Chỉ thực hiện tạm dừng đối với số hàng hóa của hóa đơn có dấu hiệu vi phạm đang được cơ quan chức năng thanh tra, điều tra; số hàng hóa không thuộc diện có dấu hiệu vi phạm được thực hiện khấu trừ, hoàn thuế đầy đủ, kịp thời theo quy định.

4. Trường hợp doanh nghiệp đã được hoàn thuế

Đối với trường hợp này thì cơ quan thuế thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp biết để kê khai điều chỉnh thuế GTGT. Trường hợp doanh nghiệp khẳng định việc mua bán hàng hóa và hóa đơn GTGT đầu vào sử dụng kê khai khấu trừ là đúng quy định pháp luật thì doanh nghiệp phải cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về hồ sơ kê khai, hoàn thuế GTGT của mình. Trên cơ sở đó cơ quan thuế thực hiện thanh tra tại doanh nghiệp để kết luận và xử lý vi phạm theo quy định. Trong quá trình thanh tra tại doanh nghiệp cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp phải phối hợp với cơ quan thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp có dấu hiệu mua bán hóa đơn bất hợp pháp để kiểm tra hồ sơ kê khai thuế của doanh nghiệp này, xác minh, kết luận hành vi vi phạm của doanh nghiệp liên quan đến các hóa đơn mà doanh nghiệp mua đã sử dụng để kê khai khấu trừ, hoàn thuế GTGT.

5. Trường hợp qua thanh tra, kiểm tra phát hiện có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng pháp luật thuế, có dấu hiệu tội phạm

Đối với trường hợp này thì cơ quan thuế thực hiện lập và chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với trường hợp doanh nghiệp có sử dụng hóa đơn của các doanh nghiệp liên quan đến các doanh nghiệp trung gian khâu trước có dấu hiệu vi phạm về sử dụng hóa đơn bất hợp pháp thì cơ quan thuế thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp biết để doanh nghiệp tự kê khai điều chỉnh thuế GTGT nếu doanh nghiệp mua bán hàng hóa trước đó có vi phạm. Trường hợp doanh nghiệp tự kiểm tra, đối chiếu với các khách hàng liên quan khẳng định việc mua bán hàng hóa và hóa đơn GTGT đầu vào sử dụng kê khai khấu trừ là đúng quy định pháp luật thì doanh nghiệp phải cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về hồ sơ  kê khai, hoàn thuế GTGT của mình. Cơ quan thuế thực hiện hoàn thuế cho doanh nghiệp theo đúng quy trình, thủ tục quy định và phải tổ chức thực hiện kiểm tra ngay sau đó theo đúng quy định.

Kết luận

1. Nếu hóa đơn đó phát sinh trước khi DN bỏ trốn (nếu chứng minh được là giao dịch thật) thì được vẫn được khấu trừ thuế GTGT và tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.

2. Nếu phát sinh sau khi DN bỏ trốn thì không được khấu trừ thuế GTGT và không được đưa vào chi phí.

  • Nếu chưa kê khai thì không được kê khai
  • Nếu đã kê khai thì phải kê khai điều chỉnh giảm thuế GTGT được khấu trừ và điều chỉnh lại tờ khai quyết toán thuế TNDN (Nhập vào chỉ tiêu B4 trên tờ khai quyết toán thuế TNDN)

3. Nếu chưa kê khai hoàn thuế thì tạm dừng hoàn thuế đối với các hóa đơn hàng hóa có dấu hiệu vi phạm.

4. Nếu được hoàn thuế thì kê khai điều chỉnh thuế GTGT.

5. Nếu có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng pháp luật thuế, có dấu hiệu tội phạm thì bị điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự.

Làm sao để phát hiện kịp thời các trường hợp hóa đơn đầu vào từ doanh nghiệp bỏ trốn

Như vậy, doanh nghiệp có thể gặp rắc rối lớn nếu những hóa đơn đầu vào mua trong năm bị rơi vào trường hợp nhà cung cấp trở thành doanh nghiệp bỏ trốn hoặc bỏ địa điểm kinh doanh. Việc kiểm tra các hóa đơn đầu vào tại thời điểm mua đôi khi không phát huy tác dụng vì nhiều trường hợp các doanh nghiệp “bán hóa đơn” thường tồn tại 1 – 2 năm rồi mới bỏ trốn. Vì vậy, theo kinh nghiệm của các kế toán viên lâu năm, việc kiểm tra cần được thực hiện ngược trở lại cho 3 – 4 năm trước (ít nhất là đến thời điểm thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế gần nhất). Thực tế, các cơ quan thuế trước khi tiến hành thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp thường áp dụng việc kiểm tra hóa đơn doanh nghiệp bỏ trốn đầu tiên.

Để kiểm tra các hóa đơn doanh nghiệp bỏ trốn, Tổng cục Thuế đã xây dựng Website tra cứu hoá đơn tại địa chỉ Tracuuhoadon.gdt.gov.vn với nội dung cung cấp các thông tin về hóa đơn do cơ quan Thuế và người nộp thuế (NNT) phát hành. Tuy nhiên, công cụ này chỉ kiểm tra được mỗi hóa đơn trong một lần kiểm tra, sẽ thực sự là “ác mộng” nếu kế toán các đơn vị cần kiểm tra ngược trở lại 3 – 4 năm trước với số lượng hóa đơn lên đến vài chục ngàn hóa đơn mỗi năm.

Quý vị cũng có thể sử dụng các giải pháp kiểm tra số lượng lớn hóa đơn đầu vào có tính phí tại một vài đơn vị cung cấp với chi phí khoảng 2.000 đồng – 5.000 đồng/hóa đơn hoặc sử dụng công cụ kiểm tra hóa đơn đầu vào với số lượng lớn miễn phí online lần đầu tiên tại Việt Nam tại địa chỉ: https://tracuuhoadon.kreston.vn

Với Công cụ tra cứu hóa đơn doanh nghiệp bỏ trốn của Kreston (VN), chỉ bằng một vài thao tác, Quý vị có thể kiểm tra hàng ngàn hóa đơn đầu vào cùng lúc với kết quả chính xác. Kreston hiện tại đang triển khai kiểm tra miễn phí các hóa đơn đầu vào miễn phí cho tất cả các khách hàng sử dụng dịch vụ kiểm toán và kế toán của chúng tôi.

Nếu Quý vị gặp khó khăn liên quan đến hóa đơn doanh nghiệp bỏ trốn, xin vui lòng liên hệ với các chuyên gia của Công ty Kiểm toán và Tư vấn Kreston (VN) để được trợ giúp.